Dự án xây dựng và phát triển trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên góp phần giúp đồng bào buôn Sút H'luốt xã Cư Suê thay đổi phương thức sản xuất
Mặc dù mới triển khai thực hiện dự án xây dựng và phát triển trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên do Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Đắk Lắk phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện thực hiện tại buôn Sút H'luốt (xã Cư Suê) nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá khả quan. Qua đó đã trực tiếp giúp cho đồng bào Êđê ở buôn Sút H'Luốt từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, tiến hành đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp để hạn chế rủi rro trong sản xuất, cải thiện thu nhập cho gia đình.
Bà con buôn Sút H Luốt thu bói vườn cà phê tái canh
Chúng tôi đến thăm vườn cà phê của gia đình ông Y Lhiăm Niê ở buôn Sút H'luốt (xã Cư Suê) một trong 05 gia đình trực tiếp tham gia dự án và không khỏi ngạc nhiên với mô hình tái canh cà phê kết hợp trồng cây ăn quả mà gia đình ông Y Lhiăm đang thực hiện. Gia đình ông Y Lhiăm hiện có 04 ha cà phê, trong đó có gần 03 ha cà phê thực hiện tái canh với giống cà phê TR4 vào 2019. Ông Y Lhiăm Niê cho biết: Trước đây diện tích 03 ha này ông liên kết trồng cây cao su, tuy nhiên việc trồng cây cao su không còn mang lại hiệu quả do giá cả thị trường, nên sau khi thanh lý vườn cao su vào năm 2016 gia đình ông đã cho thuê đất để trồng khoai lang. Đến năm 2019 ông Y Lhiăm lấy lại đất và quyết định đầu tư trồng lại cà phê. Để có vốn đầu tư, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng với số tiền hơn 300 triệu đồng để mua giống cà phê, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Khi biết về dự án xây dựng và phát triển trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên, ông Y Lhiăm đã đăng ký tham gia với diện tích khảo nghiệm 01 ha. Khi tham gia dự án, ông được hỗ trợ về giống cây ăn quả, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng các quy trình kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cây cà phê và cây ăn quả. Vì vậy ông Y Lhiăm đã trồng xen được hơn 100 cây sầu riêng giống Donatechno, 100 cây mít Thái cùng nhiều loại cây ăn quả khác trong vườn cà phê của gia đình. Ngoài việc được hướng dẫn kỹ thuật, ông còn tích cực tham gia vào các buổi tập huấn, đào tạo sản xuất và thực hành tái canh cà phê bền vững thuộc dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Đắk Lắk. Từ đó ông biết thêm về quy trình làm đất, đào hố, được hỗ trợ giống cà phê, hướng dẫn cách bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại… Nhờ học tập và chủ động áp dụng KHKT-công nghệ vào vườn cây nên cà phê và các loại cây ăn quả khác đều sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt diện tích cà phê tái canh đã bắt đầu cho thu bói. Với diện tích 03 ha cà phê tái canh, niên vụ vừa qua ông Y Lhiăm đã thu được sản lượng 2,5 tấn tươi, cao hơn rất nhiều so với cách canh tác truyền thống trước đây. Ông Y Lhiăm vui vẻ dự tính: khoảng 03 năm nữa khi các loại cây ăn quả và cây cà phê vào chu kỳ kinh doanh thì gia đình sẽ có nguồn thu cao và ổn định, có tiền trả cho ngân hàng. Ông Y Lhiăm Niê ở buôn Sút H'Luốt (xã Cư Suê) cho biết thêm: Tổ chức tập huấn tôi cũng tham gia, hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân… Tuy trồng mới hai năm nhưng vườn cây phát triển rất tốt, nếu trồng theo cách truyền thống thì ba năm cây cà phê mới cho thu bói, có hộ phải ba 3,5 đến 4 năm mới cho thu hoạch. Mong sau này Nhà nước đầu tư nhân rộng thêm mô hình để nhiều bà con được tham gia phát triển kinh tế, giúp kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển hơn.
Được biết dự án xây dựng và phát triển trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên được triển khai thực hiện tại 05 hộ đồng bào Êđê ở xã Cư Suê với diện tích 05 ha trong thời gian 03 năm (2019-2021). Cả 05 mô hình đều được thực hiện trên diện tích cà phê tái canh. Trong hai năm đầu thực hiện dự án, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Đắk Lắk đã hỗ trợ kinh phí trên 260 triệu đồng cho các hộ đồng bào tham gia dự án mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình kiểm tra, theo dõi cho thấy - các mô hình đều đang sinh trưởng và phát triển tốt. Bà H'Đàn Niê - cộng tác viên khuyến nông buôn Sút H'Luốt xã CưSuê cho biết: Các hộ dân luôn tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn trong việc trồng và chăm sóc. Bên cạnh đó, cán bộ còn thường xuyên đến thăm mô hình để theo dõi sự phát triển, nắm bắt kịp thời sâu bệnh gây hại, hướng dẫn cách sử dụng thuốc điều trị nhằm giúp vườn cây phát triển. Qua hai năm thực hiện mô hình cho thấy các vườn cây đều phát triển tốt, cây cà phê hiện đã cho thu bói. Mô hình này rất hiệu quả đối với đồng bào Êđê nơi đây, vì vậy thời gian tới mong muốn tiếp tục có thêm mô hình và dự án như thế này để bà con thực hiện canh tác bền vững có thêm nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Những kết quả ban đầu của dự án mang lại đã giúp cho nhiều hộ đồng bào ở buôn Sút H'Luốt (xã Cư Suê) học tập và áp dụng làm theo. Trong 02 năm gần đây, đồng bào trong buôn đã tích cực tham gia học tập các tiến bộ KHKT-công nghệ trong thực hành sản xuất cà phê, chủ động và tích cực hơn khi tham gia các lớp tập huấn, đào tạo sản xuất và thực hành tái canh cà phê bền vững thuộc dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy nhận thức của đồng bào trong việc sản xuất đã có nhiều thay đổi, tích cực đưa nhiều loại cây để trồng xen trên một đơn vị diện tích, chủ động áp dụng các KHKT-công nghệ để chăm sóc vườn cây. Việc làm này không những giúp đồng bào nơi đây chủ động hạn chế rủi ro trong sản xuất do giá cả thị rường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần thực hiện sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp bền vững ./.
H'Xiu ÊBan